Vượt vũ môn – CFA level III cùng CFA Community Vietnam

Cứ tưởng tượng thế này, chắc người Việt Nam không ai không biết truyện Kiều, và cơ bản là đều nắm được cốt truyện và trả lời được các kiểu câu hỏi trắc nghiệm liên quan. Ít ra là hiểu được là Thúy Kiều vô cùng xinh đẹp. Nhưng nếu đòi hỏi phải viết ra được chính xác những từ ngữ, những vần thơ mô tả vẻ đẹp của nàng, thì rất nhiều người sẽ cắn bút mà không viết được. Thi CFA level III cũng vậy, tôi nghĩ là nhiều thí sinh rơi vào hoàn cảnh nhớ mang máng, tuy hiểu khá rõ mà không viết ra được chính xác từ muốn nói.” – Nguyễn Hoài Phương, CFA, MBA.

Theo thống kê, thông thường mỗi ứng viên trung bình mất khoảng từ bốn năm cùng với số tiền từ 2.500 – 8.500 USD cho lệ phí thi, tài liệu học tập,… để hoàn thành lần lượt ba level của chương trình CFA (Quora.com), một trong những điều kiện cần cho chứng chỉ CFA. Các levels trong chương trình CFA được thiết kế với độ khó tăng dần, khi level I tập trung vào các kiến thức nền tàng về tài chính, kinh tế, level II giúp các ứng viên trau dồi các kỹ năng định giá, phân tích số liệu. Cuối cùng là level III, nơi mà các ứng viên phải kết hợp các kiến thức đã học từ các levels trước và kỹ năng của mình để vận dùng vào việc quản lý danh mục đầu tư. Level III dường như được coi là level khó nhằn – nơi các ứng viên vượt “vũ môn”. Thực vậy, khi có ứng viên đã phải mất 14 lần tham gia kỳ thi CFA level III trước khi nhận chứng chỉ CFA.

Hẳn nhiều ứng viên có những băn khoăn về CFA level III, làm thế nào để vượt “vũ môn” một cách hiệu quả nhất. Hãy cũng với chùng tôi đến với buổi phỏng vấn chị Nguyễn Hoài Phương, CFA, MBA – Chủ tịch Công ty TNHH Đào tạo, Tư vấn và Đầu tư AFTC.

Xin chào chị Phương! Lời đầu tiên, CFA Community Vietnam xin cám ơn chị đã tham gia buổi phỏng vấn này.

Chương trình CFA được thiết kế với 3 levels với độ khó tăng dần, mỗi level lại có một đặc điểm, kết cấu riêng. Song CFA level III dường như luôn được coi là level khó nhất đối với các ứng viên. Theo chị, lý do tại sao CFA level III lại khó như vậy?

Có người 14 lần thi level III như bạn nói, nhưng có người mất 4-5 lần với level I mà chỉ 1 lần với level II và level III, cũng có người mất 7 lần với level II còn các levels khác thì không thấy khó khăn gì… cho nên chắc là mọi người sẽ tranh cãi nhau kịch liệt về chuyện level nào khó nhất. Còn tôi, với gần 10 năm đào tạo CFA tại Việt Nam, tôi có thể khẳng định một cách khách quan và công bằng là, kiến thức nhiều nhất và khó nhất lại là level II chứ không phải là level III.

Cái khó làm nên sự khác biệt ở level III là bài thi buổi sáng có yêu cầu viết luận thay vì 100% trắc nghiệm như những levels trước. Việc này đòi hỏi thí sinh phải hiểu sâu sắc hơn, nhớ chi tiết hơn rất nhiều. Do đó, trong quá trình học, ngoài việc “hiểu”, các thí sinh còn phải chuẩn bị yếu tố “thuộc” nữa. Cứ tưởng tượng thế này, chắc người Việt Nam không ai không biết truyện Kiều, và cơ bản là đều nắm được cốt truyện và trả lời được các câu hỏi trắc nghiệm liên quan. Ít ra là hiểu được là Thúy Kiều vô cùng xinh đẹp. Nhưng nếu đòi hỏi phải viết ra được chính xác những từ ngữ, những vần thơ mô tả vẻ đẹp của nàng, thì rất nhiều người sẽ cắn bút mà không viết được. Thi CFA level III cũng vậy, tôi nghĩ là nhiều thí sinh rơi vào hoàn cảnh nhớ mang máng, tuy hiểu khá rõ mà không viết ra được chính xác từ muốn nói. Ngoài ra, đối với các thí sinh mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ, thì để có được kỹ năng viết bằng tiếng Anh hiệu quả cũng đòi hỏi phải luyện tập rất nhiều.

Bước vào kỳ thi CFA level III, các ứng viên phải đối mặt với việc trọng số của các môn đã thay đổi đáng kể khi môn Portfolio management đã chiếm từ 40 – 55%, cấu trúc thi cũng thay đổi, khi các thí sinh không chỉ phải làm các câu hỏi với các 3 đáp án có sẵn mà còn phải đối mặt với bài luận. Chị có đánh giá như thế nào về việc này, và lời khuyên về chiến thuật với các ứng viên level III?

Việc cấu trúc và trọng số các môn học level III thay đổi hẳn so với các levels trước sẽ khiến nhiều bạn thí sinh bối rối, nhưng quá trình học sẽ rất truyền cảm hứng vì các môn học đều rất hay và thực tế. Để chuẩn bị cho việc viết luận, thì tôi có một số lời khuyên như sau:

  1. Tập làm các đề thi năm trước ngay từ lúc học mỗi môn, để hình dung được cách ra đề, độ dài phù hợp của mỗi câu trả lời. Nếu thời gian không cho phép, các bạn có thể làm khoảng 2 đề thi năm trước là cũng khá ổn rồi. Quan trọng nhất là bạn nên tập viết lại đáp án của các đề thi năm trước theo văn phong đơn giản của chính mình, đừng cố thuộc đáp án của CFA Institute, vì đáp án đó là để giải thích chi tiết cặn kẽ cho thí sinh hiểu, đi thi sẽ không đủ thời gian viết dài như vậy. Vả lại văn phong của họ chuyên nghiệp, phức tạp, còn logic của mình đơn giản, mình không thể và không nên bắt chước kiểu viết của họ. .
  2. Những khái niệm quan trọng thì cần phải thuộc để có thể viết ra thật chính xác. Bạn nào hay viết sai chính tả tiếng Anh thì nên tập viết những khái niệm đó một vài lần cho quen mắt quen tay. Việc học theo mindmap cực kỳ hiệu quả cho mục đích này.
  3. Một số môn như Behavioral Finance và Institutional Investors,… khi đọc đề bài, cố gắng tưởng tượng và đặt mình vào tình huống thực tế, nếu mình đối mặt với khách hàng với những đặc điểm như vậy thì mình sẽ làm gì, khuyên gì. Vì có những câu hỏi mà có thể sách vở không đề cập đến, nhưng từ thực tế mà suy ra thì lại rất dễ. Chứ đừng nghĩ là mình sẽ luôn phải viết những gì thật khuôn mẫu, sách vở.
  4. Phần lớn thí sinh cảm thấy thời gian dành cho bài thi buổi sáng là CỰC THIẾU, nên khi trình bày nên tận dụng tối đa các hình vẽ (ví dụ như vẽ bull spread, collar, hay investment phases hay bond price yield curve… ra), sử dụng các cấu trúc câu với ngữ pháp đơn giản, và bí quyết quan trọng nhất của tôi là … hầu như không nháp. Mỗi tờ giấy trong cuốn bài thi có 1 mặt là đề bài hoặc để viết, mặt còn lại là trang giấy trắng không dòng kẻ để chúng ta nháp. Tôi sử dụng trang nháp CỰC ÍT. Đọc đề bài xong, quá trình suy nghĩ mà có ý thích hợp là tôi viết luôn vào phần trả lời, chứ không đợi tới lúc ra đến kết quả cuối cùng rồi mới bắt đầu viết. Lúc sau, nếu thấy chỗ nào chắc chắn là sai hoặc không liên quan thì gạch đi, còn không thì cứ để lại, phòng trường hợp không giải ra được kết quả gì, biết đâu lại gain được 0.5 hay 1 điểm cho những phần đó. Những người chấm thi chỉ chấm phần trả lời, không ai chấm phần giấy nháp cả, nên sẽ vô cùng tiếc nếu bạn đã nháp ra kết quả hoặc gần ra kết quả mà phần trả lời lại trống trơn do không đủ thời gian viết vào.
  5. Đếm thời gian giới hạn cho từng câu hỏi. Bài thi viết buổi sáng có khoảng chục câu hỏi với số điểm mỗi câu hầu như trùng luôn với số phút chúng ta cần dành cho câu đó. Nếu bị quá giờ 5 phút chẳng hạn, thì câu sau 20 điểm bạn phải tự nhủ là cố làm trong 15 phút thôi… Trải nghiệm của tôi trong phòng thi giống như một loạt cuộc thi chạy cự li ngắn, đua với chiếc kim đồng hồ. Và thú thực tôi luôn là người thua cuộc. Rất dễ rơi vào tình trạng câu hỏi 20 điểm thôi mà 25-30 phút sau vẫn chưa hoàn thành được. Những lúc này, cố gắng loại bỏ suy nghĩ phải hoàn thiện , đừng chau chuốt, đừng nắn nót bài làm, hãy cứ viết ngoáy, hãy cố gắng làm tốt nhất có thể trong khoảng thời gian cho phép, và quyết tâm bước qua câu hỏi đó, dù câu trả lời vẫn còn “thô ráp” thế nào. 6. Cố gắng viết các chữ cái theo kiểu đánh văn bản. Kinh nghiệm ở bên Úc của tôi cho thấy là khi mình viết một số chữ theo kiểu Việt Nam (uốn éo, mềm mại) như chữ b thường, chữ r thường (cong lưng) các bạn Tây đọc không nhận ra là chữ gì. Còn các bạn mà viết các chữ hoa (như chữ C, chữ E, chữ L…) theo kiểu viết chữ đẹp của Việt Nam uốn éo mấy vòng đường cong thì tôi tin là graders họ chỉ có thể ngồi đoán. Mà chả tội gì gây khó chịu, bực bội cho graders vì tôi tin là khi họ gặp khó khăn trong việc nhận mặt chữ thì mình cũng không được thuận lợi.

 Để có câu trả lời, việc đầu tiên các thí sinh cần làm đó là đọc và nắm rõ được câu hỏi, hiểu được thực sự cái mà câu hỏi yêu cầu. Một cách nhanh chóng có thể hiểu rõ câu hỏi là nắm được từ khóa, đối với chương trình CFA có lẽ là các “command word” đóng một vai trò quan trọng như thế – song không phải ứng viên nào cũng hiểu rõ. Đặc biệt, trong kỳ thi CFA level 3, khi các thí sinh cần hiểu rõ câu hỏi và diễn đạt bằng chữ với câu trả lời. Chị có lời khuyên nào về việc chú ý các từ “command word”, cũng như cách trình bày câu trả lời phần luận trong CFA level 3 không?

Câu hỏi của bạn rất hay. Thực ra thì phần lớn command words cũng rất đơn giản, kiểu như “list” thì hãy kể tên, “describe” thì hãy mô tả, “explain” thì hãy giải thích, “calculate” thì xin mời tính toán… Tôi nghĩ là một người với trình độ tiếng Anh cơ bản sẽ không gặp khó khăn tẹo nào trong việc “hiểu” câu hỏi. Chỉ có là kiến thức nắm có đủ chắc và có đủ sâu để trả lời cho trúng đích không thôi. Command word mà tôi thấy nhiều người gặp khó khăn nhất trong việc trả lời là “justify”. Mặc dù công thức chung cho câu trả lời dạng này là “theoretical reasoning + evidence from the case”, tức là vừa phải viết về lý thuyết liên quan vừa phải dẫn chứng thực tế từ đề bài, nhưng trong quá trình dạy, tôi cũng phải luyện và sửa cho học viên rất nhiều thì mọi người mới nhớ và nhuần nhuyễn được.


Trong ngày thi CFA level III, các thi sinh phải đối mặt với bài thi tự luận tại phiên buổi sáng và câu hỏi nhiều lựa chọn tại phiên buổi chiều. Việc thay đổi cấu trúc thi khi có bài thi tự luận tại buổi sáng, khiến nhiều thi sinh bị bất ngờ hoặc sốc và thường không có một tâm lý tốt khi bước vào phần còn lại vào buổi chiều. Chị cũng đã trải qua kỳ thi CFA level 3, chị có thể chia sẻ tâm trạng, cảm xúc của mình khi tham gia kỳ thi, cũng như lời khuyên trong việc chuẩn bị tâm lý với các ứng viên không?

Tôi có một lợi thế khá lớn là đã học đại học và thạc sỹ bằng tiếng Anh với trường của Úc, nên tôi không bị áp lực lắm về khả năng diễn đạt ý và kỹ năng viết. Nhưng trải nghiệm bài thi buổi sáng của tôi giống như kiểu “thoát chết trong gang tấc”. Tôi chọn câu hỏi risk management để làm đầu tiên vì đó là môn tôi tự tin, nhưng không hiểu do đề năm đó in thiếu, hay do tôi bị làm sao đó không thấy được một thông tin cần có là mean (trung bình), cho nên tôi loay hoay mãi không tính được VaR, một câu hỏi được cho là loại dễ nhất, và thế là tôi phải đưa vào bài làm những công thức dài lê thê không thể thay số, với mục tiêu gỡ gạc ít điểm. Kết cục là bay vèo mất 40 phút cho một câu hỏi chỉ 20 phút, mà đấu tranh mãi mới dứt ra được để làm câu khác. . Phần câu hỏi individual và institutional investors nhiều điểm nhất, được coi là khó nhằn nhất, tôi để lại sau cùng với lượng thời gian ít ỏi, thì chả hiểu sao lại có vẻ dễ và rất thực tế, nên có những câu 15-20 phút tôi cũng nguệch ngoạc được khá nhiều ý và kết thúc trong có 4-5 phút, nên về tổng thể là làm được hết trọn vẹn. Trắc trở vậy nhưng sau bài thi buổi sáng, tôi tự cho mình cảm giác làm hết như vậy là tạm ổn rồi, đã cố hết sức, không nên buồn lo, ân hận, áy náy gì. Tôi ăn no, ngủ kỹ (gục xuống ngủ trên bàn của phòng thi) và lại háo hức lao vào chiến đấu tiếp cho bài buổi chiều như chưa từng có chuyện gì xảy ra, lòng lâng lâng vì biết ngoài cửa phòng thi kia, chỉ vài tiếng nữa thôi, một kỳ nghỉ tươi đẹp đang đón chờ mình ở phía trước.

Chuẩn bị tâm lý thì cũng không biết khuyên thế nào. Căng thẳng quá cũng dẫn tới mệt mỏi, lo lắng, ảnh hưởng tới tinh thần. Mà vô lo thì lại còn sợ hơn nữa, vì như vậy lúc học nó không vào, và không có động lực, lúc thi cũng khó xuất thần. Nên mỗi bạn nên tự điều chỉnh mức độ stress của mình ở mức độ vừa phải, hiệu quả. Như tôi thì cứ để nỗi lo lắng dâng trào, khi tới ngưỡng làm giảm hiệu quả học hay hiệu quả làm bài thì tôi sẽ tự nhận biết và sẽ điều chỉnh. Ví dụ lúc học mà cảm thấy không vào nữa thì tôi đứng lên thư giãn, ăn kem… Trong phòng thi, lúc chờ đợi giám thị làm các thủ tục, tôi hay gục xuống bàn cho máu nó lưu thông lên não, kiềm chế hơi thở thật đều và thật chậm, nghĩ về những bãi cát trắng, những cơn sóng biển… Tinh thần rất thư giãn, lạc quan. Lúc làm bài thỉnh thoảng thấy quá hồi hộp, tim đập hơi nhanh, hơi thở nông và ngắn, bắt đầu thấy nhức mắt và mệt mỏi thì tôi sẽ dừng lại, nhìn lên xa xa hoặc nhắm mắt lại, hít thở thật sâu trong khoảng một phút, tự nhắn nhủ mình là một phút chả làm thêm được gì nhiều, đừng tiếc, cứ thư giãn thôi. Và thú thực đối với tôi, đó là một phút rất hiệu nghiệm.  

Với kinh nghiệm nhiều năm tư vấn và trao đổi với học viên, chị có thể tổng kết một số sai lầm thí sinh thường mắc phải trong quá trình ôn luyện và trong sáu tiếng làm bài thi cùng với lời khuyên của chị dành cho các ứng viên?

Sai lầm trong quá trình ôn luyện thường là chủ quan, vì thấy giáo trình level III đọc khá ngắn và dễ so với level II. Nên các bạn để nước đến chân mới nhảy, và không chịu làm thử đềthi năm trước, nên không rõ là sẽ có những phần bạn nên gấp sách lại và đọc thuộc một số khái niệm mới có thể làm được bài, hoặc không đúc rút được kinh nghiệm là câu hỏi 2 điểm thì cần viết thế nào, câu hỏi 8 điểm thì thường yêu cầu đủ ý tới mức nào. Sai lầm khác là cố bắt chước đáp án, cố thuộc và viết lại giống y như vậy.

Sai lầm trong quá trình làm bài thi thì đau đớn nhất là việc viết câu trả lời bài thi buổi sáng vào sai vị trí, đối với những câu hỏi yêu cầu viết câu trả lời vào khung template ở trang xyz. Lúc thi tôi cũng bị 1 lần, dù từ nhà đã tự nhắn nhủ mình là phải thật chú ý. Sai lầm thứ hai là không quản lý thời gian tốt, dẫn tới mất nhiều thời gian cho những câu hỏi khó mà chả được trọn vẹn điểm trong khi những câu hỏi khác có thể dễ ăn điểm hơn mà lại không có thời gian để làm.

 Thời gian từ giờ đến kỳ thi tháng 6/2017 cũng không còn nhiều, chị có nhắn nhủ nào dành cho các ứng viên trong giai đoạn “nước rút” này không ạ?

Còn đúng 1 tháng nữa. Không nhiều nhưng cũng không ít đâu nhé. Các bạn cứ bình tĩnh lên kế hoạch ôn tập đợt cuối. Nên xin nghỉ làm được càng nhiều càng tốt, cố gắng ít nhất là 2 tuần, tắt hết wifi, facebook… đi tới một nơi nào đó biệt lập khỏi công việc, khỏi cuộc sống để tập trung ăn ngủ cùng CFA. Như nhiều bạn học viên tôi biết, mang thùng mì tôm và đóng đô cùng nhau từ sáng sớm tới tận đêm khuya tại trung tâm, mệt thì ngủ trên bàn, trên ghế, thấy tiếng bạn bè ôn tập xung quanh là sẽ bật dậy học tiếp. Cho nên lời khuyên đầu tiên của tôi cho giai đoạn này là “đầu tư thời gian và tạo môi trường ôn thật tập trung: không công việc, không người yêu, không bạn bè, không facebook, một môi trường chỉ có ba thứ: ăn, ngủ và CFA”.

Còn việc ôn gì, như thế nào thì sẽ không có lời khuyên chung cho tất cả mọi người giai đoạn này, vì sự chuẩn bị mỗi người là khác nhau, background mỗi người là khác nhau. Nhưng nhìn chung ở giai đoạn này, hiệu quả nhất là các bạn tập trung đọc những phần notes tóm tắt ngắn gọn, trao đổi lại với bạn bè về những chỗ khó hiểu, và cùng nhau luyện đề thi thử, đề thi năm trước (nhớ đặt thời gian).

Chúc tất cả các bạn một mùa thi tất bật, tuy nhiều cay đắng nhưng sẽ gặt hái được những quả ngọt thành công!

Nguyễn Khắc Bắc