Thị trường đồ ăn nhẹ các nước Đông Nam Á

Trong số 10 nước Đông Nam Á (ASEAN), Thái Lan, Indonesia, Phillipines, Malaysia và Việt Nam (sau đây gọi là nhóm TIPMV) là các nước đông dân nhất, chiếm 85% tổng dân số toàn khu vực. Nhóm các quốc gia này cũng sở hữu thị trường đồ ăn nhẹ (snack) trị giá 3,5 tỷ đô với tốc độ tăng trưởng 11% trong năm 2013.

Toàn cảnh thị trường ASEAN

Nhóm ngành đồ ăn nhẹ

ASEAN là thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất đồ ăn nhẹ [1] nhờ cơ cấu dân số trẻ đang mở rộng, tăng trưởng kinh tế khả quan và mức độ xâm nhập ngành ở mức thấp. Trong số 10 nước Đông Nam Á (ASEAN), Thái Lan, Indonesia, Phillipines, Malaysia và Việt Nam (sau đây gọi là nhóm TIPMV) là các nước đông dân nhất, chiếm 85% tổng dân số toàn khu vực. Nhóm các quốc gia này cũng sở hữu thị trường đồ ăn nhẹ (snack) trị giá 3,5 tỷ đô với tốc độ tăng trưởng 11% trong năm 2013.

Thị trường từng nước trong nhóm TIPMV có những đặc trưng nhất định. Indonesia, Phillipines và Thái Lan là ba thị trường lớn nhất nhờ có quy mô dân số lớn. Bên cạnh đó, thị trường đồ ăn nhẹ ở Malaysia  đã ở mức bão hòa xét theo yếu tố tăng trưởng và tiêu thụ trên đầu người. Cuối cùng, Việt Nam là một thị trường tiềm năng với tốc độ tăng trưởng nhanh và mức độ tiêu thụ đồ ăn nhẹ của người dân vẫn ở mức thấp.

Xét theo động lực tăng trưởng ngành, dường như có mối quan hệ chặt chẽ giữa tỷ lệ xâm nhập kênh mua sắm hiện đại, tỷ lệ đô thị hóa và mức độ tiêu thụ đồ ăn nhẹ (Hình 2). Minh họa thị trường tại Thái Lan và Malaysia cho thấy yếu tố kệnh mua sắm hiện đại có tác động mạnh hơn yếu tố tỷ lệ đô thị hóa lên mức độ tiêu thụ trên đầu người.

Bên cạnh đó, mức độ tập trung ngành thức ăn nhẹ giữa các nước TIPMV có sự phân hóa. Philiipines là thị trường tập trung nhất với nhóm sáu công ty đứng đầu (toàn bộ các công ty này là nội địa) kiểm soát 72% thị phần toàn ngành. Ngược lại, Việt Nam là thị trường ít tập trung hơn cả khi nhóm 6 công ty đứng đầu chiếm 42% thị phần toàn ngành. Tại hầu hết các nước (ngoại trừ Phillipines), các doanh nghiệp nước ngoài như Pepsico và Kellogg chiếm thị phần cao trong ngành.

Trong hình 4, chúng ta so sánh chỉ tiêu tài chính của các doanh nghiệp sản xuất đồ ăn nhẹ như doanh thu, tăng trưởng doanh thu và ROE. Cụ thể, chúng ta sẽ tập trung nghiên cứu các doanh nghiệp nội địa (được hiểu là được thành lập hoặc sở hữu bởi các doanh nhân nội địa các nước TIPMV) đã tăng trưởng nhanh và giành được thị phần lớn trên thị trường họ hoạt động.

Trong số các doanh nghiệp nghiên cứu, các công ty nhỏ có doanh thu từ 40-250 triệu đô la Mỹ, trong khi các tập đoàn lớn như Indofood (sở hữu các ngành kinh doanh ngoài thức ăn nhẹ) có thể có doanh thu lớn cỡ 5 tỷ đô hàng năm. Hầu hết các doanh nghiệp có chỉ số ROE từ 15-20% với tốc độ tăng trưởng 5-15%, ngoại trừ Indofood và Liwayway – hai doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với các công ty còn lại.

Universal Robina, MAMEE–Double Decker và Berli Jucker Foods đều có ROE xấp xỉ 20% nhưng nhờ các nguyên nhân khác nhau. Trong khi Universal Robina có biên lợi nhuận cao, MAMEE-Double Decker có hiệu quả sử dụng tài sản tốt, còn Berli Jucker Foods mặc dù có hiệu quả sử dụng tài sản khá tốt nhưng nguyên nhân chính đẩy ROE là đòn bẩy vốn cao. Ở chiều ngược lại, nhóm các nước có tỷ lệ ROE thấp, Kinh Do có vòng quay tài sản thấp, trong khi Liwayway cả vòng quay tài sản và biên lợi nhuận thấp. Nếu loại trừ tỷ lệ đòn bẩy (chỉ số này tại Liwayway cao nhất trong nhóm năm công ty được khoanh vuông trên hình 5), tỷ lệ ROE của Liwayway chỉ đạt 2%.

Phần cuối của bài viết này, chúng ta xem qua tóm tắt nhanh về 6 công ty nội địa lớn (bao gồm 5 công ty khoanh vuông trong hình 5 và Garuda Food – công ty nội địa mà chúng tôi không có dữ liệu tài chính để so sánh như phía trên). Các công ty này có được vị thế vững chắc tong ngành nhờ ba yếu tố chính. Thứ nhất, họ bước chân vào thị trường từ rất sớm, có những công ty khởi nghiệp từ những năm 70 – thời điểm ít tập đoàn đa quốc gia cho rằng ASEAN là thị trường quan trọng. Thứ hai, chủ sở hữu các doanh nghiệp này rất sắc sảo về cảm nhận thị trường. Năm trong số sáu công ty đang đề cập được thành lập hoặc điều hành bởi các doanh nhân tự thân có gốc gác Trung Quốc. Những doanh nhân này vừa có khả năng học hỏi thành công của các sản phẩm quốc tế, vừa phát triển các sản phẩm mới phù hợp nhu cầu nội địa. Bên cạnh đó, họ rất sát sao trong quản lý vận hành hàng ngày và kiểm soát chi phí. Cuối cùng, từ thành công các sản phẩm ban đầu, các công ty này đã mở rộng danh mục sản phẩm sang các loại thức ăn đồ uống khác, mở rộng hoạt động các thị trường  các nước khác trong khu vực ASEAN, và vận dụng sự tương đồng văn hóa tiêu dùng và sản xuất giữa các quốc gia này để hiểu thị trường tốt hơn và vận hành tốt hơn các đối thủ quốc tế.

Nguồn: Euromonitor, website các công ty và các nguồn thứ cấp. Tất cả đơn vị là đồng đô la. Thị phần của các công ty ngoài nhóm 6 không có dữ liệu

* Công ty đã hủy niêm yết trên sàn Bursa Malaysia sau khi chủ sở hữu mua gom vào năm 2012.

CDI Asia Business Unit, Tư vấn viên, Pham Le Duc
CDI Asia Business Unit, Giám đốc, Ogawa Tatsuhiro
Tháng 1/ 2016

=====================================================
[1] Bao gồm khoai tây lát, bim bim dạng khối, bim bim vị hoa quả, bỏng ngô, quẩy, tortilla và các loại đồ ăn nhẹ có vị ngọt, mặn khác (theo định nghĩa của Euromonitor)

Phạm Lê Đức, CFA