Chiến thắng bản thân cùng CFA
Hãy cùng vén bức màn bí mật về chương trình CFA và nghe những chia sẻ thú vị cùng anh Lý Lâm Duy, MBA, CFA. Hiện tại, anh đang là phó giám đốc kiêm giám đốc tài chính Công Ty TNHH Dịch Vụ Mặt Đất Hàng Không (Aviation Ground Services Co., Ltd), anh cũng là thành viên Ủy ban điều hành của CFA Community Vietnam . Anh đã từng làm việc tại Capitaland Vietnam, Vietcombank Securities Company, Viet Capital Securities,…
“Trung bình một ứng viên sẽ dành 4-5 tháng để ôn thi CFA và mất khoảng 3-4 năm cho 3 level. Tổng thời gian ôn thi là khoảng 1,5 năm. Bất kì ai lựa chọn con đường CFA đều ít nhiều trải qua thời gian cày cuốc này. CFA đi theo chúng ta suốt 30-40 năm làm việc thì 1,5 năm “từ bỏ” cuộc sống cá nhân có là gì trong khi chúng ta đạt lên tầm cao mới về tri thức và chiến thắng chính bản thân mình.”
Trong những năm gần đây, cùng với quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam với thế giới nói chung và thị trường tài chính Việt Nam nói riêng, việc trang bị thêm các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế như CFA, ACCA,… đang là một xu hướng tất yếu. Một trong những chứng chỉ được nhiều người lựa chọn là CFA (Charted Financial Analyst) do viện CFA Hoa Kỳ cấp. CFA là một chứng chỉ nghề nghiệp được xem như một tiêu chuẩn vàng đánh giá năng lực, tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp của giới tài chính, đầu tư và được công nhận rộng rãi. Song nó cũng được coi là một trong những chứng chỉ “khó nhằn” nhất khi tỉ lệ đỗ trung bình giai đoạn 2007 – 2016 cho lần lượt level 1, 2, 3 là 40%, 43% và 51% (theo 1963 – 2016B Candidate examination results – CFA institute).
Hãy cùng CFA Community Vietnam vén bức màn bí mật về chương trình CFA và những chia sẻ thú vị về chứng chỉ CFA cùng anh Lý Lâm Duy, MBA, CFA. Hiện tại, anh đang là phó giám đốc kiêm giám đốc tài chính Công Ty TNHH Dịch Vụ Mặt Đất Hàng Không (Aviation Ground Services Co., Ltd), anh cũng là thành viên Ủy ban điều hành của CFA Community Vietnam . Anh đã từng làm việc tại Capitaland Vietnam, Vietcombank Securities Company, Viet Capital Securities,…
Chào anh, cám ơn anh đã đến và chia sẻ với CFA Commnunity Vietnam. Anh có thể chia sẻ với độc giả, cơ duyên nào đã dẫn anh đến với chứng chỉ CFA không?
“Chào bạn, tôi biết tới CFA từ những năm 2005-2006, khi đó tôi đang làm việc tại CTCK Vietcombank. Hồi đó, việc thi đỗ CFA level 1 là một điều gì đó hết sức cao xa và tôi có cảm giác như chỉ có những anh chị nào đi du học nước ngoài về hoặc đang làm vị trí cán bộ quản lý mới có khả năng thi đậu chứng chỉ CFA này. Lý do chính cũng là vì CFA các năm đó chưa phổ biến như bây giờ và không phải dễ dàng gì để được nhìn thấy một bộ sách sáu cuốn của CFA. Tôi đi làm được hơn ba năm thì bắt đầu chính thức bước chân vào thế giới CFA.”
Anh Lý Lâm Duy chia sẻ tại buổi Hướng nghiệp tổ chức bởi Viện CFA
Anh có thể miêu tả chứng chỉ CFA qua ba từ, và chia sẻ lý do tại sao anh lại chọn những từ đó không?
“Tôi xin được chọn ba từ. Với tôi, chứng chỉ CFA đại diện cho Cam kết (Commitment), Chuyên nghiệp (Professionalism), và Chính trực (Integrity).
Một người lựa chọn học và thi chứng chỉ CFA nghĩa là người đó thực sự yêu thích học cái mới, tìm tòi những điều mới trong thế giới CFA và cả thế giới ngoài kia, và cam kết gắn bó lâu dài với ngành tài chính, đầu tư. CFA cũng dạy cho người đó thế nào là một người hành nghề chuyên nghiệp, những người có chứng chỉ CFA khác gì với những người hành nghề khác không có CFA, trong bối cảnh các công ty Việt Nam hiện nay còn rất thiếu sự chuyên nghiệp. CFA tạo ra một vị thế và một lợi thế cạnh tranh cho chúng ta khi đi làm, đặc biệt khi phục vụ khách hàng. CFA dạy và gợi mở cho chúng ta giao tiếp như thế nào với lãnh đạo, với đồng nghiệp và với khách hàng và rất nhiều điều khác nữa mà chúng ta thấy được khi học CFA.
Về lòng chính trực, CFA là chương trình đầu tiên dạy cho tôi những điều này mà ở trường đại học không dạy. Sự chính trực thể hiện tư cách con người của chúng ta, chúng ta muốn được khách hàng, đồng nghiệp, và cộng đồng nhìn chúng ta là những người như thế nào. Năm 2015, tôi có may mắn được tham gia một buổi hội thảo dành cho lãnh đạo của các cộng đồng CFA Châu Á Thái Bình Dương (Society Leadership Conference) của viện CFA được tổ chức tại Hong Kong. Tại hội thảo, rất nhiều chủ đề được đặt ra nhưng mọi người đều nêu bật một thực trạng hiện nay là lòng tin của nhà đầu tư đã giảm sút không có điểm dừng đối với các thị trường tài chính. Những cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008 tại Mỹ và hệ lụy ở nhiều năm sau đó đã cho thấy các tổ chức, trung gian tài chính lợi dụng lòng tin của nhà đầu tư, của khách hàng để trục lợi. Trong mắt nhiều nhà đầu tư, đây là một thế giới đầy sự lừa lọc và vô đạo đức. Tại hội thảo này và các chuỗi hoạt động sau đó, chúng tôi đã thảo luận rất nhiều về việc viện CFA và các thành viên viện CFA cần và có thể làm những gì để đem lại niềm tin cho nhà đầu tư vào thị trường tài chính, đặt lợi ích của nhà đầu tư vào trọng tâm tất cả những gì chúng tôi làm.
Tuy nhiên, tôi thấy làm bất kỳ ai làm nghề gì cũng cần phải có sự chính trực chứ không chỉ trong lĩnh vực tài chính, đầu tư.”
Qua các thống kê của viện CFA các năm gần đây, tỷ lệ đỗ trung bình của các ứng viên thường nhỏ hơn 50%. Cụ thể, tỉ lệ đỗ trung bình giai đoạn 2007 – 2016 cho lần lượt level 1, 2, 3 là 40%, 43% và 51% (theo 1963 – 2016B Candidate examination results – CFA institute). Theo anh, những lý do chủ yếu dẫn đến tỷ lệ đỗ lại thấp như vậy?
“Cá nhân tôi nghĩ đó là chính sách của viện CFA nhằm tăng tầm ảnh hưởng và nhận thức về các tiêu chuẩn khắt khe của CFA cùng với chất lượng của ứng viên trên toàn cầu thông qua kết quả thi. Hiện tại nhiều người ôn luyện rất giỏi và tôi tin là các bạn bây giờ ôn thi giỏi hơn ngày xưa rất nhiều do có nhiều nguồn lực hỗ trợ các bạn ôn thi tốt. Vì vậy nếu nhận định của tôi ở trên là đúng, thì mức điểm phân biệt giữa đỗ và trượt có thể phải khắt khe hơn trước.”
Rất nhiều thí sinh phân vân việc sử dụng giữa tài liệu của Viện CFA (CFA curriculum) và các tài liệu từ các công ty chuyên luyện thi như Kaplan Schewer, BPP,… vì CFA curriculum thì quá dài còn các tài liệu khác thì e ngại vì chưa chắc đã theo đúng “concept” của viện CFA. Anh có lời khuyên nào cho các thí sinh về lựa chọn tài liệu ôn thi?
“Nếu mục đích là chỉ cần đỗ thì các bạn có quyền lựa chọn các tài liệu bên ngoài để giảm thời gian “đau khổ”. Còn nếu mục đích là thi đỗ và có sự hiểu biết sâu sắc về kiến thức thì nên đọc CFA curriculum. Tuy nhiên với những bạn sử dụng tài liệu ngoài có một xác suất năm nào đó các tổ chức này biên soạn nội dung theo CFA curriculum không tốt thì sẽ dẫn tới thiếu sót bỏ quên một số nội dung trong đó và nếu đề thi hỏi về các nội dung này thì sẽ gặp rủi ro mất điểm. Vì vậy dù có dùng tài liệu ngoài vẫn cần đọc thêm CFA curriculum.”
Nhiều thi sinh vừa đi làm vừa theo đuổi chứng chỉ CFA chia sẻ rằng việc tham dự vào chương trình CFA khiến họ gần như “từ bỏ” cuộc sống cá nhân, khi mà hàng tháng liền không có ngày cuối tuần, thời gian dành cho các mối quan hệ cũng giảm đi, để tập trung cho kỳ thi, thực sự là một thời gian khó khăn với họ. Được biết anh cũng bắt đầu chương trình CFA khi vẫn đi làm, anh có thể chia sẻ kinh nghiệm để vượt qua giai đoạn khó khăn đó không?
“Trung bình một ứng viên sẽ dành 4-5 tháng để ôn thi cho mỗi level của CFA và mất khoảng 3-4 năm cho 3 level. Vậy tổng thời gian ôn thi là khoảng 1,5 năm. Nhưng bất kì ai lựa chọn con đường CFA đều ít nhiều trải qua việc này. Tôi thấy đó là câu chuyện bình thường và không nên đặt ra việc mệt mỏi, không được “sống” ở đây. CFA đi theo chúng ta suốt 30-40 năm làm việc thì 1,5 năm từ bỏ cuộc sống cá nhân có là gì trong khi chúng ta đạt lên tầm cao mới về tri thức và chiến thắng chính bản thân mình.
Nhiều người đuối sức đã không thể hoàn thành cả 3 level. Mặc dù vẫn biết sự thành công của mỗi người không phải nằm ở tấm bằng, tuy nhiên với tôi, đã xác định bước chân vào CFA thì nên đi hết con đường, coi đây là khoảng thời gian “tu học”. Nhiều người hỏi lợi ích CFA thu được là gì, cái đó không có công thức chung mà phụ thuộc vào khả năng, tính cách mỗi người có biết cách tận dụng để biến thành cơ hội, biến thành thăng tiến, biến thành lương cao hay không?”
Tại Việt Nam, những năm gần đây, các bạn sinh viên cũng bắt đầu tham gia vào chương trình CFA từ khá sớm. Điều này cũng gây ra không ít khó khăn cho các bạn khi mà vẫn chưa có kinh nghiệm, hiểu biết về thị trường hạn chế. Anh có chia sẻ hay lời khuyên nào cho các bạn đó không ạ?
“Hiện tại tôi thấy áp lực thi tuyển tìm việc làm rất lớn với các bạn nên các bạn buộc phải học CFA sớm để tìm kiếm lợi thế cạnh tranh. Học CFA khi chưa có chút kiến thức thực tế nào về thị trường sẽ là một khó khăn để các bạn thực sự hiểu, và có nhìn nhận thấu đáo về các vấn đề được học. Do vậy thời gian ôn sẽ có thể cần nhiều hơn và kiến thức học được mang tính chất lý thuyết hơn. Lời khuyên của tôi là nếu các bạn là sinh viên, chưa có kiến thức thực tế mà muốn đi học CFA thì các bạn nên tranh thủ xin đi thực tập tại một công ty trong lĩnh vực liên quan, hoặc nên tìm được một người làm việc lâu năm trong ngành để có thể hỏi tư vấn khi cần thiết. Có một điều chắc chắn rằng kiến thức thu nạp được qua chương trình CFA cần được kết hợp với kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực tài chính, đầu tư để phát huy tối đa hiệu quả.
Ngoài ra, tôi cũng khuyên các bạn dù chọn học CFA sớm hay muộn, điều quan trọng là các bạn cố gắng rèn luyện ngay lập tức kĩ năng giao tiếp, nói chuyện, kĩ năng phỏng vấn, kĩ năng thể hiện bản thân một cách chuyên nghiệp và tạo thiện cảm với mọi người, hãy cho người khác thấy bạn là người chân thành và đáng tin cậy.”
Cám ơn anh đã dành thời gian chia sẻ với CFA Community Vietnam.
Bắc Nguyễn